Hỗ trợ con giống: Cần tăng cường hậu kiểm tra
- Thứ tư - 03/06/2020 23:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Con giống không phù hợp
Trong 3 năm (2017 - 2019), từ nguồn vốn các chương trình 135/CP, 30a và hỗ trợ sinh kế (mỗi năm gần 1 tỷ đồng), xã Na Son đã hỗ trợ 122 con bò giống lai cho các hộ dân và nhóm hộ. Với các hộ nghèo, đây là tài sản lớn, cũng là tư liệu sản xuất để các hộ dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Nhưng sau một thời gian nhận bò về nuôi, không những bò không lớn mà ngày càng gầy đi, thậm chí một số con không thích ứng được với điều kiện chăn nuôi của người dân và khí hậu đã phát bệnh và chết.
Ông Lò Văn Em, bản Na Cảnh, xã Na Son chia sẻ: “Năm 2017, gia đình tôi được hỗ trợ 1 con bò lai về nuôi theo hình thức nhóm hộ xoay vòng. Nhìn bề ngoài con bò đẹp, nhưng nuôi thì chậm lớn, ngày càng gầy và một thời gian sau thì phát bệnh và chết.”
Ông Lò Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Na Son cho biết: Từ năm 2018, khi thay đổi cách thức hỗ trợ (giao cấp xã làm chủ đầu tư) thì xã đã đứng ra mua bò giống về cho người dân. Bằng cảm quan ban đầu, chất lượng con giống rất đẹp, không bệnh tật, thế nhưng sau khi hỗ trợ được một thời gian thì bò giống có biểu hiện gầy đi, rồi chết. Theo thống kê, trong tổng số 122 con bò đã hỗ trợ cho người dân, đến nay tỷ lệ bò còn sống chỉ còn khoảng 10 con. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do cách thức chăn nuôi của người dân vùng cao không thích hợp với giống bò lai. Bên cạnh đó, về chất lượng con giống, công tác kiểm tra, cách ly, tiêm phòng dịch bệnh còn hạn chế…
Vấn đề trên cũng là những bất cập tại xã Phình Giàng. Ðược biết, từ năm 2018 đến nay, bằng nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã đứng ra mua giúp người dân 77 con bò. Tuy nhiên, người dân có thói quen chăn nuôi thả rông và chỉ có giống bò địa phương mới thích hợp, nhưng bò giống xã mua giúp là bò lai ở địa phương khác. Do đó khả năng thích ứng hạn chế, làm nhiều con chết. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ giống trâu, bò của một số chương trình chưa đúng tiêu chuẩn. Cụ thể, năm 2018, qua kiểm tra thực tế Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn cho thấy: Hầu hết các xã thực hiện chưa đúng việc hỗ trợ, đặc biệt hỗ trợ về trâu, bò cho người dân, một số con chưa đúng quy định về kích thước, cân nặng, con thì đã quá già, thậm chí một số con bị bệnh nên người dân không nhận...
Ông Hoàng Công Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Theo quy định, trừ những con giống được mua trong địa bàn huyện, còn lại đều phải được kiểm dịch, tiêm vắc xin phòng bệnh và cách ly trước khi đưa vào địa bàn. Trước khi giao giống đến người dân thì đơn vị cung ứng giống phải báo cho cơ quan thú y địa phương tiến hành kiểm dịch. Qua kiểm dịch nếu nghi ngờ con giống chứa mầm bệnh thì phải tiến hành nuôi nhốt từ 7 - 15 ngày để theo dõi rồi mới cấp phát cho dân. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều chương trình, dự án, nhất là trước đây khi doanh nghiệp cung ứng giống cho người dân thì việc tiêm phòng, cách ly chưa được thực hiện chặt chẽ. Cùng với đó xảy ra tình trạng khi xã nhận bò dự án giao, cán bộ thú y huyện không hay biết. Ðến khi trâu bò bị bệnh, người dân báo thì mới biết và triển khai chữa trị. Ðây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ con giống chết cao.
Thiếu kiểm tra sau đầu tư
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông, chỉ tính riêng Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện, tổng nguồn vốn giảm nghèo giao cho huyện gần 379 tỷ đồng (chưa kể nguồn lực huy động xã hội). Từ nguồn vốn trên, huyện Ðiện Biên Ðông đã triển khai hỗ trợ nhiều mô hình cho người dân. Ðiển hình là các dự án: Hỗ trợ mua trâu, bò sinh sản cho 40 hộ tại xã Pú Nhi với tổng kinh phí 400 triệu đồng; hỗ trợ giống dê cái địa phương cho 213 hộ với 426 con tại các xã Mường Luân, Luân Giói, Háng Lìa, Tìa Dình với tổng kinh phí thực hiện hơn 5,1 tỷ đồng... Giai đoạn từ năm 2017 - 2019, huyện đã giao cho UBND các xã, thị trấn thực hiện hỗ trợ gần 17 tỷ đồng cho 1.600 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để mua 1.187 con trâu, bò giống sinh sản. Tương tự, từ nguồn vốn theo Nghị quyết 30a, giai đoạn 2017 - 2018, huyện đã giao UBND các xã, thị trấn thực hiện hỗ trợ hơn 12 tỷ đồng cho 1.270 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để mua 794 con bò giống và 102 con trâu giống sinh sản…
Với số lượng mô hình, dự án như vậy nếu duy trì phát triển tốt sẽ tạo điều kiện giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Song thực tế một số dự án chưa phát huy hiệu quả, từ khâu cấp con giống đến ý thức chăn nuôi của người dân, cũng như việc kiểm tra, giám sát và tổng kết đánh giá sau đầu tư còn hạn chế. Ðặc biệt, hiện nay đối với cấp xã được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, nhưng hầu hết chỉ thực hiện hỗ trợ con giống, còn việc chăn nuôi, phát triển phó mặc cho người dân. Vì không có sự ràng buộc, kiểm tra nên đã xảy ra tình trạng sau khi được hỗ trợ, một số hộ mang con giống đi bán lấy tiền, thậm chí đã có những trường hợp giết mổ làm thức ăn.
Theo thống kê, sau khi hỗ trợ đến nay trên chưa tổng kết, đánh giá hiệu quả đối với bất kỳ dự án nào. Ðơn cử năm 2017, xã Na Son được hỗ trợ 29 con bò do doanh nghiệp cung ứng con giống, tuy nhiên từ sau khi giao con giống cho người dân, đến nay không có đơn vị nào kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau đầu tư. Vừa qua, xã rà soát tổng đàn gia súc trên địa bàn thì phát hiện cả 29 con bò được hỗ trợ đều đã chết.
Ông Bùi Xuân Thức, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Năm 2019, phòng đã kiểm tra tình hình thực hiện hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Qua kiểm tra phát hiện một số xã vẫn chưa thực hiện tốt công tác hỗ trợ, đặc biệt khâu giám sát hỗ trợ và sau hỗ trợ mặc dù các xã đã thành lập ban giám sát cộng đồng.
Việc đầu tư, hỗ trợ, tạo sinh kế cho người dân là rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn phải thường xuyên quan tâm, đánh giá, tổng kết mô hình, dự án, nhằm khắc phục hạn chế để thực hiện các mô hình về sau. Tránh tình trạng đầu tư xong là phó mặc cho người được hỗ trợ, vừa không duy trì phát triển được mô hình vừa gây lãng phí nguồn lực đầu tư.