Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Ðộng lực phát triển sản xuất nông nghiệp

Triển khai Quyết định số 45/2018/QÐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Tủa Chùa đã xây dựng nhiều dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, thu hút được một số chủ thể kinh tế tham gia. Sau hơn 1 năm thực hiện, các dự án đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều dự án được nhân rộng, tăng về quy mô sản xuất, nhiều mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp được hình thành.
Xã viên hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng thu hoạch cá rô phi đơn tính.

Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Năm 2019, huyện Tủa Chùa được giao 6,774 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp, thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Sau khi được giao vốn, Phòng đã khảo sát nhu cầu của các chủ thể kinh tế trên địa bàn và tham mưu cho UBND huyện lựa chọn triển khai hỗ trợ ở 5 hợp phần, gồm: Hỗ trợ phát triển chè cây cao; phát triển các dự án liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tập huấn công tác thú y; phát triển lâm nghiệp và hỗ trợ phát triển thủy sản. Sau hơn 1 năm triển khai, các mô hình, dự án bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, trình độ sản xuất cho người dân, đồng thời hình thành nhiều mối liên kết giữa các chủ thể sản xuất, tiêu thụ nông sản. .

Hợp phần hỗ trợ phát triển các dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được bố trí nguồn kinh phí lớn và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất so với các hợp phần còn lại. Năm 2019, UBND huyện Tủa Chùa bố trí 2,524 tỷ đồng thực hiện 5 dự án liên kết sản xuất. Các dự án được xây dựng trên cơ sở nhu cầu của chủ thể kinh tế và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Sau 1 năm thực hiện, các dự án cho hiệu quả bước đầu, có 4/5 dự án được đề xuất hỗ trợ nhân rộng trong năm 2020.

Ðiển hình như Dự án Liên kết nuôi, tiêu thụ cá rô phi đơn tính với quy mô 3ha tại 2 xã: Mường Báng và Mường Ðun do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng thực hiện. Hợp tác xã lựa chọn liên kết với các hộ dân có đủ khả năng đối ứng và nhiều kinh nghiệm nuôi cá thương phẩm để triển khai Dự án. Cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hợp tác xã tổ chức hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho cá. Sau 7 tháng triển khai, trọng lượng trung bình của cá đạt 0,8kg/con, không bị dịch bệnh; đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổng sản lượng cá thu hoạch 21 tấn. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng liên kết tiêu thụ cá thương phẩm tại các bếp ăn trường học và thị trường các huyện: Tuần Giáo, Ðiện Biên. Hiệu quả kinh tế đạt 15 triệu đồng/1.000m2. Tổng kết năm 2019, Dự án được đề xuất tiếp tục thực hiện hỗ trợ sản xuất vụ thứ 2 năm 2020. Bà Phạm Thị Út Mai, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng cho biết: Tiêu chí của hợp tác xã là ưu tiên lựa chọn các hộ dân có điều kiện về mặt nước chăn nuôi, có khả năng đối ứng và có kinh nghiệm trong nuôi cá thương phẩm. Triển khai dự án điểm đạt hiệu quả cao thì mới thu hút được nhiều hộ dân tham gia, nhân rộng mô hình. Bên cạnh việc theo dõi, giám sát các hộ nuôi cá, hợp tác xã phải tìm các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Khi đầu ra sản phẩm đã ổn định thì Dự án sẽ phát triển bền vững, tăng cả về quy mô và hiệu quả kinh tế. Năm 2020, hợp tác xã dự kiến mở rộng quy mô Dự án lên khoảng 3,5ha.

Tương tự, Dự án Liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ chè Tuyết Shan tại xã Sính Phình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giúp người dân trong xã yên tâm gắn bó với cây chè. Quy mô Dự án 32ha, do Công ty TNHH Hương Linh tỉnh Ðiện Biên thực hiện trong vòng 5 năm. Chị Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh cho biết: Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo Quyết định số 45/2018/QÐ-UBND rất thiết thực và hiệu quả, đã tiếp thêm động lực cho các chủ thể kinh tế tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp. Năm 2019, bằng nguồn vốn từ Quyết định số 45, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa đã hỗ trợ 50% máy móc, thiết bị chế biến chè cho Công ty, hỗ trợ 16 tấn phân bón hữu cơ tổng hợp để cải tạo diện tích chè cây thấp tại xã Sính Phình. Sau 1 năm đầu triển khai liên kết với các hộ dân, vụ xuân năm 2020, sản lượng chè búp tươi tăng, Công ty đã thu mua toàn bộ sản phẩm với mức giá 12.000 đồng/kg.

Năm 2020, huyện Tủa Chùa tiếp tục khuyến khích các chủ thể kinh tế tham gia các dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Dự kiến, năm nay, toàn huyện sẽ triển khai 8 dự án liên kết, trong đó có 4 dự án từ năm 2019 và 4 dự án phát triển mới. Ðến nay, các dự án đang được triển khai đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Nguồn tin: Nhật Phương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây