Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Xây dựng thôn, bản nông thôn mới ở Điện Biên

Sau gần 3 năm triển khai “Ðề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020” (gọi tắt là Ðề án 1385) trên địa bàn tỉnh, đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu.
Người dân xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) nhận hỗ trợ dê từ Ðề án 1385.

Toàn tỉnh có 255 thôn, bản của 4 huyện biên giới thuộc vùng Ðề án 1385, trong đó: huyện Ðiện Biên 81 thôn, bản; Mường Chà 30 thôn, bản; Nậm Pồ 71 thôn, bản và Mường Nhé 73 thôn, bản. Ðề án có 3 nội dung trọng tâm: xây dựng được mô hình sản xuất theo hướng liên kết, đem lại thu nhập, cải thiện đời sống của người dân; tập trung nguồn lực hỗ trợ các thôn, bản xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu (đường, điện, nước sạch, công trình thủy lợi nhỏ); nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ cấp cơ sở, đào tạo nghề cho người dân gắn với sản xuất. Mục tiêu cụ thể là: tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm ít nhất 5%; đến năm 2020, thu nhập của người dân tăng ít nhất từ 1,6 - 1,8 lần so với năm 2015. Triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã ra Quyết định 135/QÐ-UBND, ngày 18/2/2019 về việc ban hành Bộ tiêu chí thôn, bản nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên đến năm 2020 với 15 tiêu chí thuộc 4 nhóm: Hạ tầng kinh tế - xã hội; kinh tế -  tổ chức sản xuất; văn hóa - xã hội - môi trường và hệ thống chính trị. Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh cũng ban hành hướng dẫn, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận thôn, bản đạt chuẩn NTM đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2018 đến tháng 1/2020, toàn vùng Ðề án đã triển khai đầu tư 301 công trình hạ tầng kinh tế - xã hội gồm 143 công trình giao thông; 37 công trình thủy lợi; 20 công trình nước sinh hoạt; 11 công trình trường học và 91 công trình cơ sở vật chất văn hóa. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất cũng được chú trọng với tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2020 trên 44,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này các xã thuộc vùng đề án đã triển khai 28 mô hình cây ăn quả; 33 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm; hỗ trợ 15 mô hình trồng cây công nghiệp ngắn ngày, 4 mô hình cải thiện môi trường nông thôn, đồng thời mở 16 lớp đào tạo nghề cho gần 600 học viên tham gia. Ðồng thời chủ động tổ chức thực hiện các công việc không cần nguồn vốn đầu tư của ngân sách như: Vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng hoa, lắp điện sáng các tuyến đường thôn, bản…

Xã Na Sang, huyện Mường Chà có 3 bản đăng ký đạt chuẩn NTM theo Ðề án 1385. Là  địa bàn có thế mạnh trồng dứa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi vậy khi triển khai thực hiện Ðề án 1385, một trong những nội dung được xã Na Sang chú trọng đó là triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Na Sang cho biết: Na Sang có diện tích trồng dứa khoảng 150ha. Khi huyện triển khai chương trình OCOP, xã Na Sang đã đăng ký quả dứa tươi là sản phẩm lợi thế của xã. Trước đây người trồng dứa loay hoay với việc tìm nguồn tiêu thụ thì hiện nay tình hình đã được cải thiện do việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh. Kỳ vọng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” sẽ góp phần giải quyết dứt điểm được những khó khăn về thị trường tiêu thụ, giúp người dân tăng thêm nguồn thu nhập.

Ðối với huyện Ðiện Biên, sau khi hoàn thành công tác rà soát thực trạng xây dựng NTM cấp thôn, bản trên địa bàn, huyện cũng xác định việc triển khai đề án 1385 sẽ gặp nhiều khó khăn bởi tiêu chí bình quân của các bản thấp, từ 3,5 tiêu chí/bản (xã Na Ư) đến 7,64 tiêu chí/bản (xã Mường Pồn). Trước thực trạng đó, huyện đã chủ động cân đối ngân sách để hỗ trợ trực tiếp cho các xã thuộc Ðề án; giao cho UBND xã làm chủ đầu tư các dự án, công trình có tổng mức đầu tư dưới 3 tỷ đồng; chỉ đạo các xã đầu tư các công trình trọng tâm, thiết yếu; đối với những công trình có thiết kế đơn giản như: đường trục thôn, bản, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn, bản sẽ để nhân dân tự thực hiện. Trong 2 năm 2019 - 2020 huyện đã đầu tư hơn 34,5 tỷ đồng xây dựng 12 công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sinh hoạt; hỗ trợ trên 8,1 tỷ đồng triển khai các mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu với diện tích trên 21ha; 85 mô hình chăn nuôi gia súc; mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ xây dựng gần 380 nhà vệ sinh nhằm cải thiện môi trường tại các bản thuộc vùng đề án.

Sau gần 3 năm triển khai Ðề án 1385, đến nay UBND huyện Nậm Pồ đã ra quyết định công nhận 7 bản: Pa Có, Nà Sự, Nà Cang, Bản Cấu, Nà Ín (xã Chà Nưa); Mới 1, Mới 2, (xã Chà Cang) đạt chuẩn NTM năm 2020. 3 huyện còn lại là Ðiện Biên, Mường Chà và Mường Nhé cũng đang hoàn tất thủ tục, hồ sơ xét công nhận thôn, bản thuộc vùng đề án đạt chuẩn NTM.

Nguồn tin: Thu Hằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây