Thành tựu của nỗ lực giảm nghèo bền vững
- Thứ tư - 14/10/2020 07:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh cho biết: Trong quá trình thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, ngành đã tham mưu và tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó tập trung tìm hiểu rõ nguyên nhân nghèo và nguyện vọng của từng hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp. Trong giai đoạn 2017 - 2019, mỗi năm ngành tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra giám sát tối thiểu 3 huyện, cử cán bộ tới tận xã, thôn, bản, hộ gia đình nắm bắt tình hình thực tế. Ðồng thời, hướng dẫn các huyện cách thức triển khai, thường xuyên tham mưu cho tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện các chính sách, dự án tại cơ sở để kịp thời phát hiện tồn tại, vướng mắc trong nhiệm vụ giảm nghèo. Nhờ vậy mà công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh những năm qua đều mang lại kết quả chính xác, đúng người, đúng đối tượng.
Các chính sách hỗ trợ được triển khai đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư để hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thiểu số trong đào tạo, dạy nghề và việc làm. Hầu hết lao động sau đào tạo đều có việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Vấn đề giải quyết việc làm mới cho lao động cũng đạt kết quả đáng ghi nhận (bình quân 9.006 lao động/năm). Nét nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua là đã tạo điều kiện cho khoảng 4.800 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngoại tỉnh với mức thu nhập khá. Nhiều lao động có mức thu nhập bình quân từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Ðiều quan trọng nhất là đã thay đổi được tư duy của người lao động từ chỗ tự tạo việc làm với mức thu nhập thấp, bấp bênh sang tìm việc làm tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngoại tỉnh có mức thu nhập cao hơn, đãi ngộ tốt hơn để thoát nghèo.
Các chương trình, dự án giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, hiệu quả giúp cho người nghèo có điều kiện sản xuất, chủ động vươn lên, như: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo của Chương trình 30a; chính sách hỗ trợ sản xuất theo Chương trình 135… Các chương trình, chính sách này đã hỗ trợ cho hàng trăm nghìn lượt hộ dân nhận khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất; khai hoang, phục hóa và tạo ruộng bậc thang; việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; vay vốn với lãi suất 0%… Nhờ vậy, đến thời điểm này, tỉnh ta có nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề mang lại hiệu quả thiết thực. Người dân đã biết chuyển đổi hình thức chăn nuôi tự cung, tự cấp, thả rông, nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng sản xuất hàng hóa. Không chỉ vậy, trong giai đoạn này có nhiều chính sách thay đổi, chuyển từ cho không sang cơ chế có sự tham gia, đối ứng của người dân đã dần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của họ trong công cuộc giảm nghèo. Người dân đã tham gia vào công tác bàn thảo, giám sát, lập kế hoạch thực hiện chương trình. Qua đó, các dự án giảm nghèo được thực hiện sát với nhu cầu, điều kiện của từng vùng, từng nhóm dân cư.
Các chính sách đó cũng đồng thời giúp cho cơ sở hạ tầng tại các xã và địa bàn khó khăn được cải thiện rõ rệt; bộ mặt nhiều vùng dân cư nông thôn thay đổi đáng kể; hệ thống giao thông nông thôn tiếp tục được phát triển và mở rộng. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 13 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí. 100% xã có đường ô tô đi đến trung tâm xã; tỷ lệ đường huyện được cứng hóa đạt 79%; đường cấp xã được cứng hóa đạt 44,55%; đường thôn bản có trục giao thông được cứng hóa là 19,8%. 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện trên 89%...
Ðến nay, hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 48,14% đầu năm 2016 xuống còn 33,05% năm 2019; dự kiến đến cuối năm 2020 giảm còn 30,67%. Không chỉ vậy, 4/5 huyện nghèo nhóm 1 trong tỉnh đạt mục tiêu của Nghị quyết giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 4%/năm. Trong đó, huyện Mường Ảng giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 6,02%/năm; huyện Tủa Chùa giảm bình quân 5,54%/năm; Ðiện Biên Ðông giảm bình quân 5,1%/năm… Những thành tích đó là kết quả xứng đáng cho một nhiệm kỳ nỗ lực vượt khó vươn lên của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên trong công cuộc giảm nghèo bền vững. Không chỉ vậy, kết quả đó sẽ là tiền đề để cả hệ thống chính trị tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quan trọng này trong những năm tiếp theo.