Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Thanh Hưng nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2018, chính quyền và người dân xã Thanh Hưng, huyện Ðiện Biên tiếp tục nỗ lực củng cố, nâng chuẩn các tiêu chí đã đạt; đồng thời triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, nhằm xây dựng xã NTM nâng cao, tiến tới xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Ðoạn đường nông thôn mới ở thôn Hưng Thịnh, xã Thanh Hưng, huyện Ðiện Biên.

Xã Thanh Hưng được chọn làm điểm xây dựng đạt chuẩn NTM nâng cao và tiến tới đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, Thanh Hưng đã thực hiện đạt 13/16 tiêu chí theo bộ tiêu chí NTM nâng cao. Không bằng lòng với kết quả đạt được, xã Thanh Hưng tiếp tục rà soát, đánh giá từng tiêu chí nhằm củng cố, hoàn thiện bền vững các tiêu chí theo hướng nâng cao, bền vững. Ðến hết tháng 4/2020, xã Thanh Hưng đã hoàn thành thêm được 1 tiêu chí về y tế, giảm số tiêu chí chưa đạt xuống còn 3 tiêu chí. Ðặc biệt, xác định nhân dân là chủ thể thực hiện và là người được hưởng lợi từ chương trình NTM nâng cao nên địa phương rất quan tâm công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân hưởng ứng. Nhằm thực hiện lộ trình, xã Thanh Hưng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức như lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, các buổi họp dân cư, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Chính vì vậy, chương trình huy động được nhiều nguồn lực tham gia, nhất là sự đóng góp từ nhân dân. Các công trình cũng nhận được nhiều sự trợ lực của dân, nhất là xây dựng chỉ tiêu gia đình văn hóa, tăng thu nhập, phát triển kinh tế và gìn giữ tiêu chí môi trường sạch sẽ, tạo cảnh quan tươi sáng cho xã NTM.

Ðể đạt được các tiêu chí xã NTM nâng cao vào năm nay, Thanh Hưng phải nỗ lực vượt qua những tiêu chí khó còn lại, bao gồm: Giao thông; thông tin và truyền thông; tổ chức sản xuất. Trong đó, tiêu chí giao thông cần đầu tư xây dựng cứng hóa, bê tông hóa (5,59km đường trục thôn, bản; 13,71km đường ngõ, xóm; 16,73km đường trục chính nội đồng); tiêu chí thông tin và truyền thông cần nâng cấp loa truyền thanh xã và hệ thống loa 21 thôn, bản; tiêu chí tổ chức sản xuất cần phát triển sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Tuy khó là vậy, nhưng trên tinh thần quyết tâm cao nên chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề án nhằm triển khai thực hiện đạt chuẩn NTM nâng cao. Ngoài ra, thường xuyên bám dân, sâu sát địa bàn để thuyết phục, vận động nhân dân cùng hưởng ứng; tăng cường các hình thức hợp tác và xã hội hóa để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý các vấn đề về: Môi trường, giao thông, hạ tầng thương mại, nâng cấp các công trình văn hóa, giáo dục, trạm y tế; nâng cao chất lượng điện, nước sinh hoạt... Theo bà Hà Bích Nhung, Phó Bí thư Ðảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng, nhìn chung, trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, chính quyền địa phương đã nhận được sự đồng hành, nhiệt tình ủng hộ của người dân. Song bên cạnh đó, ngoài khó khăn về thiếu kinh phí, vẫn còn một bộ phận người dân ý thức kém, chưa chấp hành quy định xử lý rác thải, vệ sinh bảo vệ môi trường chung; hệ thống rãnh thoát nước tại các trục đường chính chưa được xây dựng kiên cố, các rãnh thoát nước chưa có nắp đậy... Ðể hoàn thành xã xây dựng NTM nâng cao trong năm 2020, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Thanh Hưng đã xây dựng đề án thực hiện NTM nâng cao với mức dự toán khoảng 22 tỷ đồng để đầu tư hệ thống rãnh thoát nước; đường bê tông cụm xóm, thôn, bản; xây 2 cổng chào, nâng cấp hệ thống phát thanh cụm không dây trên 16 thôn, bản; trồng hàng cây hoa ban... Với nguồn kinh phí được phân bổ, địa phương sẽ chủ động được nguồn vốn để đầu tư, tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt mục tiêu.

Trong quá trình xây dựng xã NTM nâng cao, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, xã Thanh Hưng còn nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Trong đó, người dân trong xã đã tự đầu tư xây dựng nhà ở kiên cố, hỗ trợ nhau trong sản xuất và mạnh dạn đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập. Tiêu biểu như gia đình ông Phạm Văn Cường, đội 5. Ông Cường là người đi đầu trong việc thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, sắp xếp lại đồng ruộng gắn với xây dựng NTM. Chia sẻ với chúng tôi, ông Cường cho biết: “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã tạo tiền đề để người dân phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác nhằm nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và nâng cao thu nhập hộ gia đình. Bản thân tôi cùng với nhân dân trong đội đều ý thức được việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, với hơn 3.000m2 ruộng sau khi dồn điền, đổi thửa từ 7 mảnh nhỏ lẻ thành 2 mảnh chính. Gia đình tôi có thu nhập gần 80 triệu đồng/năm”. Cùng ở đội 5, ông Cường là người đi đầu trong phát triển kinh tế thì ông Nguyễn Văn Nghĩa cũng tích cực không kém với việc hiến đất làm đường. Trong quá trình xây dựng NTM, gia đình ông Nghĩa đã hiến 100m2 đất để địa phương xây dựng đường liên thôn, xã.

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của hệ thống chính trị cũng như nhân dân toàn xã, diện mạo nông thôn xã Thanh Hưng có nhiều khởi sắc, các công trình cơ sở hạ tầng, trường học, đường làng, ngõ xóm được xây dựng kiên cố, khang trang, sạch đẹp, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Trao đổi với chúng tôi, bà Hà Bích Nhung cho biết thêm: Thời gian tới, Thanh Hưng tiếp tục duy trì bền vững và nâng chuẩn các tiêu chí đã đạt, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, huy động nhiều nguồn lực để xây dựng, phấn đấu về đích NTM nâng cao vào năm 2020.

Nguồn tin: Minh Thảo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây