Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Tăng cường công tác bảo vệ môi trường

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng trên 250 tấn/ngày. Công tác thu gom chất thải sinh hoạt tại khu vực đô thị được thực hiện bởi các đơn vị vệ sinh môi trường đóng trên địa bàn; thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn được thực hiện thông qua các tổ tự quản về bảo vệ môi trường (BVMT).
Công nhân Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng Điện Biên thu gom chất thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển và xử lý tại các bãi chôn lấp chất thải theo hình thức đốt và chôn lấp hợp vệ sinh hoặc để lộ thiên có phun phế phẩm ngăn côn trùng, dịch bệnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 10 cơ sở xử lý chất thải đang hoạt động, trong đó: 3 cơ sở xử lý rác thải bằng hình thức đốt kết hợp với bãi chôn lấp và 7 cơ sở xử lý bằng hình thức bãi chôn lấp. Vừa qua, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên tại xã Pom Lót với diện tích 10,5ha, công suất xử lý 100 tấn rác/ngày đêm, đảm bảo xử lý toàn bộ rác thải trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và một số xã vùng lòng chảo.

Công tác thanh tra, giám sát các cơ sở trong việc chấp hành pháp luật về BVMT được các cơ quan chức năng tăng cường, đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị các hành vi vi phạm môi trường theo đúng quy định. Năm 2020, các sở, ngành liên quan của tỉnh đã tổ chức triển khai kiểm tra công tác BVMT tại 4 cơ sở; tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tiêu chí số 17 về môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại 18 xã điểm trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên), yêu cầu nhà máy lập hồ sơ chứng nhận hoàn thành công trình biện pháp BVMT. Công an tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng cấp huyện kiểm tra phát hiện 54 vụ, 48 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường và kiến nghị, xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đối với cấp huyện đã huy động người dân thu gom được trên 1 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức xây dựng 323 bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, tổ chức nhiều biện pháp BVMT tại các khu công nghiệp, làng nghề trên địa bàn.

Có thể khẳng định, công tác BVMT thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, áp lực từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội lên môi trường đã dần được kiểm soát tốt hơn. Nhiều cơ sở, nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường được hạn chế, giảm thiểu. Chất lượng môi trường ở một số nơi đã được cải thiện đáng kể; một số dự báo tác động xấu tới môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã được ngăn ngừa có hiệu quả. Tuy nhiên, môi trường vẫn đang đứng trước những thách thức to lớn với vấn đề cấp bách cần được tập trung giải quyết, xử lý như: Áp lực chất thải từ sản xuất công, nông nghiệp và sinh hoạt ngày một gia tăng; sự cố môi trường có nguy cơ xảy ra nếu không có biện pháp kiểm soát hữu hiệu; việc thực hiện chính sách và pháp luật BVMT, hay trách nhiệm với xã hội tại các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập; một số cơ sở sản xuất vận hành công trình xử lý môi trường còn mang tính chất đối phó; một số cơ sở sản xuất nguồn lực tài chính còn hạn chế nên gặp khó khăn trong đầu tư các hạng mục BVMT.

Ông Cao Minh Chính, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý BVMT, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển bền vững. Các cấp, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và xây dựng ý thức BVMT trong cộng đồng, người dân và doanh nghiệp; tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực, tổ chức bộ máy, đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác BVMT từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời xây dựng hệ thống quan trắc, thực hiện các chương trình quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu và báo cáo về môi trường; tổ chức thực hiện các quy định, quy chế, biện pháp phòng ngừa các nguồn gây ô nhiễm môi trường; tăng cường các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, thu hút đầu tư, kêu gọi, tổ chức các dự án, chương trình BVMT.



 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Phạm Trung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây