Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Sức sống nông thôn mới

Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn từng bước được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người tăng; tỷ lệ hộ nghèo giảm... Ðó là những kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn tỉnh.
Ðường bê tông nông thôn mới đội C9C, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) kiên cố, sạch đẹp.

Diện mạo mới

Chương trình MTQG xây dựng NTM được triển khai tại huyện Ðiện Biên từ năm 2009 với xã Thanh Chăn được chọn là 1 trong 11 xã điểm xây dựng NTM của cả nước. Ðây là động lực quan trọng để huyện Ðiện Biên tiếp tục thực hiện xây dựng NTM tại các xã khác từ năm 2011. Ðến nay, diện mạo nông thôn huyện có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng - xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện. Toàn huyện đã nâng cấp, sửa chữa, xây dựng, cứng hóa 600km đường trục xã, liên xã, đường ngõ xóm, bản, nâng tổng chiều dài giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 60%; xây mới, nâng cấp 70,8km kênh mương nội đồng; sửa chữa 89 công trình thủy lợi; 97 trường học được kiên cố; 145 nhà văn hóa bản được xây mới. Ðời sống, thu nhập nông dân được nâng cao. Hiện nay huyện Ðiện Biên có 13/21 xã được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người đạt 19,8 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 16,11%.

Ðược công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017, xã Thanh Xương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ: Những tuyến đường bê tông liên thôn, đội, bản rực rỡ sắc hoa ven đường; nhiều ngôi nhà mới được xây dựng hiện đại; quang cảnh môi trường “xanh, sạch, đẹp”; các công trình thủy lợi được đầu tư kiên cố…

Ông Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương khẳng định: Chương trình NTM đã làm thay đổi toàn diện nông thôn. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt; nhiều mô hình phát triển sinh kế hiệu quả được nhân rộng giúp người dân đổi mới tư duy phát triển kinh tế, biết phát huy lợi thế địa phương để tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Ðối với các xã biên giới, mặc dù nhiều khó khăn song chương trình xây dựng NTM cũng đã lan tỏa, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi. Ðến nay, toàn tỉnh có 7 xã biên giới đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM. Ðiển hình là xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ), với sự quyết tâm, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc, phong trào xây dựng NTM đã trở thành nội dung thi đua mạnh mẽ giữa hộ với hộ trong bản; giữa bản với bản trong xã. Phong trào xây dựng NTM đã nâng cao nhận thức người dân, tạo cho người dân ý chí vươn lên, khắc phục khó khăn, tận dụng lợi thế địa phương để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trong 2 năm (2017 - 2018), toàn xã có gần 30 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Năm 2018 xã Chà Nưa đạt chuẩn NTM; hiện nay thu nhập bình quân đạt trên 22 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 11,41%.

TX. Mường Lay là địa phương cấp huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

“Không có điểm kết thúc”

Sau 10 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành 100% mục tiêu nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra. Tại các hội nghị sơ kết, tổng kết chương trình ở quy mô khu vực hoặc toàn quốc, tỉnh ta luôn được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao tinh thần khắc phục khó khăn để thực hiện mục tiêu xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết: Trong quá trình thực hiện Chương trình, Ban chỉ đạo thường xuyên sâu sát cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các tiêu chí; tổ chức giao ban, đánh giá tiến độ, chất lượng thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Từ đó kịp thời đề xuất với tỉnh những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Ðồng thời, tập trung công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của nhân dân, lôi cuốn họ chủ động, tích cực tham gia xây dựng NTM. Phấn đấu hết năm 2020, toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu 23 xã so với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Với phương châm “Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, giai đoạn tới ngành chuyên môn cùng cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong đó tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng nông thôn, ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, các xã cơ bản đạt tiêu chí. Ðặc biệt là chú trọng đầu tư các công trình cấp thôn, bản nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới đối với các xã chưa đạt.

 

Nguồn tin: Phạm Trung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây