Nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Mường Nhé
- Thứ năm - 29/06/2023 09:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Với trên 90% dân số là dân tộc Hà Nhì, đời sống người dân còn nhiều khó khăn song thời gian qua xã Sín Thầu tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM đạt nhiều hiệu quả. Người dân được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ nên cuộc sống có nhiều đổi thay. Nhờ đó, năm 2021 xã Sín Thầu được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Thế nhưng đến nay, sau gần 2 năm đạt chuẩn, xã Sín Thầu chỉ còn đạt 15 tiêu chí. Ngoài tiêu chí về số hộ nghèo “nợ lại” từ lần trước, đến hết năm 2022, Sín Thầu mất thêm 3 tiêu chí về lao động, tổ chức sản xuất và môi trường, khiến cho công tác giữ chuẩn NTM tại xã biên giới này khó càng thêm khó...
Theo báo cáo của UBND huyện Mường Nhé, đến hết năm 2022 trên địa bàn huyện có 1/11 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM; 2/11 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 6/11 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và còn 2/11 xã đạt 4 tiêu chí. Về kết quả triển khai thực hiện xây dựng thôn, bản nông thôn mới bình quân số tiêu chí nông thôn mới cấp thôn, bản trên địa bàn huyện đạt 5,8 tiêu chí/bản. Như vậy, năm 2022 trung bình số tiêu chí giảm so với năm 2021 khoảng 1,6 tiêu chí/xã. Lý giải về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Nguyễn Văn Hưng cho biết: Mường Nhé là huyện nghèo, có xuất phát điểm xây dựng NTM thấp do vậy cần vốn cho xây dựng NTM rất lớn, nhất là cho xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất, song nguồn lực đầu tư giai đoạn vừa qua chưa đáp ứng được nhu cầu. Ngoài ra, tình hình sản xuất trên địa bàn còn manh mún, mang tính chất tự cung tự cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu quy mô hàng hóa. Do vậy chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, khó khăn trong khâu liên kết sản xuất cung như thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGap hoặc tương đương...
Một nguyên nhân khác được Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé chia sẻ là, do áp dụng Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 có một số chỉ tiêu trong tiêu chí cao khi rà soát không đạt yêu cầu, nội dung tiêu chí dẫn đến số tiêu chí đạt thấp, giảm so với năm 2021. Cụ thể như tiêu chí số 10 về thu nhập; tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều; chỉ tiêu 12.1. thuộc tiêu chí số 12 về lao động; tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm: Chỉ tiêu 7.1… Ví dụ như tiêu chí 12.1- tỷ lệ lao động qua đào tạo áp cho các tỉnh trung du miền núi phía Bắc lớn hơn hoặc bằng 70% là cao, đặc biệt là đối với các huyện thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như huyện Mường Nhé. Hoặc chỉ tiêu 7.1 trong tiêu chí số 17- tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch (áp dụng cho các xã thuộc khu vực III, vùng trung du miền núi phía Bắc) là trên hoặc bằng 20%. Thực tế đến nay Mường Nhé có duy nhất 1 nhà máy xử lý nước sạch tại trung tâm huyện. Để hoàn thành chỉ tiêu 7.1 thì cần đầu tư ít nhất 1 nhà máy nước sạch/xã, tuy nhiên nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 không đáp ứng được nhu cầu thực tế...
Để khắc phục khó khăn, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Nguyễn Văn Hưng cho rằng, cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM; nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả của các địa phương, đơn vị trong quá trình thực hiện Chương trình. Huyện tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện hành về xây dựng NTM; rà soát, nghiên cứu và đề xuất với UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trong việc thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, thu gom xử lý rác thải... Huyện cũng tập trung phát huy và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Cùng với đó, huyện huy động, đa dạng hóa các nguồn vốn, phân bổ kịp thời, đúng quy định và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn thực hiện Chương trình; đẩy mạnh công tác vận động đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình theo hình thức tự nguyện. Đặc biệt coi trọng vai trò cấp cơ sở, đảm bảo sự tham gia của người dân trong giám sát, đánh giá; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức triển khai chương trình xây dựng NTM...