Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Mường Pồn nỗ lực cải thiện tiêu chí thu nhập

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) đã hoàn thành 15/19 tiêu chí. Trong đó, tiêu chí thu nhập chưa đạt, hiện nay thu nhập bình quân của xã là gần 27 triệu đồng/người/năm. Vì vậy, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập, bảo đảm thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Gia đình ông Quàng Văn Ngân, bản Mường Pồn 1 trồng trọt, chăn nuôi, bán hàng tạp hóa và mở dịch vụ xay xát đem lại nguồn thu nhập ổn định. Trong ảnh: Ông Quàng Văn Ngân xát gạo.

Xã Mường Pồn có 11 bản, 1.120 hộ, 5.154 nhân khẩu; là xã thuần nông, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhận thức về ý nghĩa, mục tiêu, mục đích của Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân còn hạn chế; vai trò chủ thể, trách nhiệm của người dân trong xây dựng nông thôn mới chưa được phát huy tối đa. Vì vậy, nỗ lực cải thiện tiêu chí thu nhập gặp không ít thách thức. Đồng chí Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn cho biết: Trong xây dựng nông thôn mới, thu nhập được xem là tiêu chí khó thực hiện nhất đối với xã. Đây cũng là tiêu chí cốt lõi, có vai trò thúc đẩy sự phát triển mọi mặt, là nền tảng để thực hiện các tiêu chí khác. Để thực hiện tiêu chí này, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như tích cực tuyên truyền nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tìm tòi, xây dựng các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao; hỗ trợ các hộ nghèo về cây, con giống, đặc biệt triển khai dự án trồng cây mắc ca vào cuối năm 2021, dự kiến trong năm 2022 sẽ trồng 72ha...

Mặc dù còn nhiều khó khăn, xã Mường Pồn đã tranh thủ các nguồn lực từ Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới hỗ trợ người dân bò, gà, giống lúa mới năng suất cao; vận động người dân sử dụng quỹ chi trả môi trường rừng thực hiện các mô hình phát triển kinh tế mới theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm. Chỉ tính riêng năm 2021, người dân đã được hưởng gần 400 triệu đồng từ các chương trình để phát triển kinh tế. Thông qua các nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Qua đó, xuất hiện các mô hình chăn nuôi, cây con giống mới (trồng sa nhân, nuôi cá, trâu, bò, lợn) đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con từ 100 triệu đồng/năm như gia đình ông Lường Văn Hưng, Quàng Văn Ngân, bản Mường Pồn 1, Lò Văn Bính, Mường Pồn 2, Lường Văn Bình, bản Lĩnh...

Mường Pồn 2 là một trong những bản đang có nhiều nỗ lực cải thiện về tiêu chí thu nhập. Kinh tế chính của bản chủ yếu dựa vào nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, hưởng dịch vụ chi trả môi trường rừng. Ông Quàng Văn Trưởng, Trưởng bản Mường Pồn 2 cho biết: Để giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, tôi thường xuyên cùng với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng, phát triển các mô hình kinh tế, như chăn nuôi trâu, bò, gà, nuôi cá, trồng sa nhân tím (năm 2021 bản trồng mới 11,4ha sa nhân), áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi... Đến nay, thu nhập bình quân của người dân đạt 27,3 triệu đồng/người/năm, còn 14 hộ nghèo, cuộc sống của người dân đã khấm khá hơn, bản không còn nhà tạm, nhà dột nát...



 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Nhật Minh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây