Huy động nguồn lực phát triển giao thông nông thôn
- Chủ nhật - 15/11/2020 19:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phát triển giao thông nông thôn gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới được huyện Tuần Giáo xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Hàng năm, Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã tổ chức rà soát, lập quy hoạch và đề xuất các tuyến đường ưu tiên đầu tư. Cụ thể hóa mục tiêu phát triển hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện còn chủ động kêu gọi, huy động nguồn vốn đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp, đóng góp của người dân để triển khai thực hiện. Thống kê giai đoạn 2016 - 2019, huyện đã huy động tổng nguồn vốn thực hiện hơn 4.117 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước thì nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã đóng góp gần 20 tỷ đồng (gồm tiền, ngày công lao động) để xây dựng hạ tầng giao thông. Nhờ thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa phát triển giao thông nông thôn, đến nay hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Tuần Giáo cơ bản được đầu tư đồng bộ: 16/18 xã có đường ô tô đi lại đến trung tâm xã; đường trục bản được cứng hóa, cấp phối đạt trên 71%; đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa đạt 44,2%; tỷ lệ đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm đạt trên 50%. Hiện nay còn 2 xã Mường Khong và Pú Xi giao thông đi lại khó khăn, UBND huyện Tuần Giáo đang đầu tư xây dựng từng phần. Từ nguồn ngân sách huyện (khoảng hơn 20 tỷ đồng), huyện đang xây dựng 7km trên tổng tuyến dài 12,5km đường đến trung tâm xã Mường Khong. Ðồng thời, đã thực hiện đấu thầu và thi công 4/13km đường giao thông đến xã Pú Xi. Mục tiêu đến năm 2021, toàn bộ các tuyến đường liên xã trên địa bàn huyện Tuần Giáo đều đi được bốn mùa trong năm.
Mục tiêu xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông nông thôn cũng được chính quyền các địa phương trong toàn tỉnh quan tâm. Chỉ tính riêng chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2019, toàn tỉnh đã huy động hàng nghìn tỷ đồng; trong đó, vốn đóng góp của nhân dân gần 150 tỷ đồng (tiền mặt, hiến đất, ngày công lao động) để xây dựng giao thông nông thôn. Từ các nguồn lực này, đã có 1.101km đường huyện được xây dựng, nâng cấp, bảo trì, xây dựng mới 66 cầu và 1.495 cống; hơn 1.265km đường xã và hơn 7.242km đường thôn xóm, nội đồng được xây dựng mới, nâng cấp, bảo trì cùng với xây dựng mới 17 cầu và 713 cống các loại. Qua đó từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông nói chung, giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh nói riêng. Ðến nay, toàn tỉnh có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó tỷ lệ các xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được các mùa trong năm đạt 93,8%.
Mục tiêu của tỉnh đề ra phấn đấu đến hết năm 2020, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh là 100% đường huyện, đường đến trung tâm xã và cụm xã được trải nhựa hoặc bê tông xi măng; 50% số thôn, bản có đường ô tô; giai đoạn 2021 - 2030, nhựa hóa và bê tông hóa 100% đường huyện và 80% đường xã, gắn với xây dựng nông thôn mới có hạ tầng giao thông hiện đại. Ðể thực hiện được mục tiêu này, theo kế hoạch dự kiến đến năm 2030 cần trên 51,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 là 14.629 tỷ đồng; giai đoạn 2020 - 2030 là 28.483 tỷ đồng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, ngân sách Nhà nước còn hạn chế thì việc huy động tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực từ nhân dân là rất quan trọng để hoàn thành mục tiêu đề ra.