Huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới và sản phẩm OCOP
- Thứ ba - 10/08/2021 09:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã công nhận 2 xã đạt chuẩn NTM năm 2020 (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé và xã Búng Lao, huyện Mường Ảng), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh là 21 xã. Về xã NTM nâng cao, đến nay xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) mới đạt 14/16 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Có thêm 2 bản được công nhận đạt chuẩn NTM (bản Phiêng Đất B, xã Nậm Nèn và bản Mường Anh 1, xã Pa Ham, huyện Mường Chà), nâng tổng số toàn tỉnh có 28 thôn, bản đạt chuẩn NTM. Đến nay, toàn tỉnh còn 4 huyện chưa có xã NTM gồm: Mường Chà, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa.
Đối với kết quả thực hiện Chương trình OCOP, toàn tỉnh đã có 35 sản phẩm của 19 chủ thể được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó: 2 sản phẩm 4 sao và 33 sản phẩm 3 sao.
Hạn chế trong thực hiện xây dựng NTM thời gian qua cũng được chỉ ra, đó là: Một số sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo chưa xây dựng kế hoạch cụ thể để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa sâu sát, thiếu quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện; một số địa phương có tư tưởng tự thỏa mãn khi có xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nên phong trào có xu hướng chững lại; việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí chưa được quan tâm đúng mức; công tác chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM cấp thôn, bản chưa được các huyện quan tâm… Đối với Chương trình OCOP, việc xây dựng kế hoạch hàng năm còn chung chung, chưa xác định được sản phẩm cụ thể để xây dựng đạt chuẩn; cấp huyện bỏ qua vai trò của cấp xã trong việc xây dựng sản phẩm…
Đại diện UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh có cơ chế đặc thù đối với các xã đăng ký đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn NTM như: Đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình kinh tế để giảm nghèo bền vững… để các xã có động lực về đích NTM; bổ sung kinh phí duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng đã đầu tư bởi địa bàn vùng cao thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai khiến công trình xuống cấp; có cơ chế rõ ràng hơn về sự giúp đỡ của các sở, ngành đối với các địa phương trong xây dựng NTM. Xây dựng các xã NTM nâng cao, kiểu mẫu phải sát với nguồn lực đầu tư của địa phương; đầu tư các dự án theo các tiêu chí chưa đạt để các xã sớm đạt chuẩn; có chế độ biểu dương khen thưởng kịp thời đối với các thôn, bản về đích NTM nâng cao kiểu mẫu.
Đối với sản phẩm OCOP, Ban Chỉ đạo có cơ chế hỗ trợ các huyện, các chủ thể kinh tế về giới thiệu, quảng bá sản phẩm; thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư xây dựng các dự án liên kết để đảm bảo đầu ra sản phẩm; hỗ trợ về khoa học kỹ thuật trồng, thu hoạch, bảo quản; tập huấn về việc vận hành và quản lý hiệu quả các hợp tác xã; tổ chức tham quan các mô hình OCOP…
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong xây dựng NTM và Chương trình OCOP 6 tháng đầu năm. Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị mỗi huyện cần xây dựng lộ trình cụ thể, có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện tốt hơn; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân vào cuộc trong xây dựng NTM; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng NTM. Cần quan tâm hoàn thiện các tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu; thôn bản nông thôn mới. Đối với Chương trình OCOP, từng huyện phải đánh giá sản phẩm tiềm năng, lợi thế để có kế hoạch xây dựng sản phẩm đạt chuẩn. Khi có sản phẩm đạt chuẩn OCOP thì phải có kế hoạch sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu, thu hút đầu tư triển khai các dự án kiên kết để sản phẩm phát triển bền vững. Liên minh Hợp tác xã tỉnh phải có chương trình cụ thể tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đối với các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ các huyện, các chủ thể kinh tế về xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Mục tiêu mỗi năm mỗi huyện hỗ trợ thành công 1 sản phẩm OCOP theo mô hình liên kết bền vững từ đó nhân rộng ra toàn tỉnh. Điều quan trọng là sản phẩm sau khi được công nhận phải đảm bảo vùng nguyên liệu, có liên kết bền vững, tránh tình trạng có sản phẩm OCOP nhưng chỉ để trưng bày, giới thiệu chứ không phát triển được thành hàng hóa. Đặc biệt cần coi trọng huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn.