Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Chậm giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã góp phần tích cực giúp người dân xóa đói giảm nghèo, đổi thay diện mạo nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà thời gian qua việc thanh toán và giải ngân nguồn vốn này trên địa bàn tỉnh còn chậm so với kế hoạch.
Công nhân Hợp tác xã Thành Long thi công tuyến đường bản Chua Ta A, xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông) từ vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Năm 2020, tỉnh Ðiện Biên được phân bổ hơn 1.108 tỷ đồng thực hiện các chương trình MTQG (gồm 897,307 tỷ đồng vốn đầu tư; 211,063 tỷ đồng vốn sự nghiệp) và hơn 64,5 tỷ đồng vốn kéo dài từ năm 2019 sang. Xác định việc giải ngân vốn các chương trình MTQG là nhiệm vụ quan trọng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương và các chủ đầu tư, nhà thầu phải triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp với tinh thần trách nhiệm cao nhất; có kế hoạch và cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án, kiểm điểm trách nhiệm nếu không thực hiện đúng cam kết và phải chịu trách nhiệm về tiến độ giải ngân các nguồn vốn được giao. Song đến nay tiến độ giải ngân vốn chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh còn chậm, nhất là nguồn vốn sự nghiệp. Cụ thể, đối với nguồn vốn đầu tư (số liệu tính đến hết tháng 7) mới giải ngân được hơn 437,3 tỷ đồng (đạt 48,74%); vốn kéo dài từ năm 2019 sang năm 2020 đạt 47,28%. Riêng nguồn vốn sự nghiệp, các huyện giao cho UBND cấp xã làm chủ đầu tư và thông thường phải đến quý IV các đơn vị chủ đầu tư mới bắt đầu công tác giải ngân, thanh toán vốn nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Ðến nay, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp mới đạt 19,26% tổng số vốn. Trong đó vốn sự nghiệp Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới năm 2020 được phân bổ 85,9 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân đạt 6,21%; Chương trình 30a mới giải ngân đạt 30,32%; Chương trình 135 đạt 27,24%... Một số huyện có tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp nông thôn mới rất thấp như: Huyện Ðiện Biên (5,95%); Mường Ảng (1,8%); Nậm Pồ (2,41%); Mường Nhé (6,75%); Tuần Giáo (0,26%).

Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước huyện Tuần Giáo, năm 2020 huyện được giao hơn 108,204 tỷ đồng thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn nhưng kết quả giải ngân đạt rất thấp. Ðiển hình là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới chỉ đạt 29,277/65,161 tỷ đồng (đạt 44,93%), trong đó vốn sự nghiệp mới giải ngân được 28 triệu đồng/10,911 tỷ đồng (đạt 0,26%); đối với vốn sự nghiệp thuộc Chương trình 135/CP, đến nay mới giải ngân được 374 triệu đồng/6.978 tỷ đồng (đạt 5,36% - thấp nhất toàn tỉnh)…

Một trong những nguyên nhân kết quả giải ngân thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra là do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều công trình xây dựng phải tạm dừng thi công, dẫn đến không có khối lượng thanh toán nên chưa thực hiện giải ngân được. Cùng với đó là vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Cụ thể, đối với nguồn vốn chương trình MTQG, do năm 2020 là năm cuối thực hiện nên số vốn đầu tư phát triển chiếm phần lớn tổng vốn cả giai đoạn 2016 - 2020. Vì vậy, khối lượng hồ sơ xây dựng công trình khởi công mới nhiều, cần nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và thực hiện các dự án. Các dự án sử dụng nguồn vốn kéo dài từ năm 2019 sang cũng bị vướng các thủ tục đầu tư nên đến nay một số dự án khó có khả năng giải ngân đúng thời gian quy định. Ðơn cử như dự án Trường THCS Khong Hin, xã Nà Sáy (huyện Tuần Giáo) được đầu tư từ năm 2018 với tổng mức 4,45 tỷ đồng; số vốn được cho phép kéo dài sang năm 2020 là 223 triệu đồng. Dự án Thủy lợi Nậm Chăn, xã Chiềng Ðông (huyện Tuần Giáo) có tổng số vốn đầu tư 3,5 tỷ đồng; thời gian khởi công từ 2018 và hoàn thành 2020; số vốn cho phép kéo dài sang năm 2020 hơn 1,242 tỷ đồng. Tuy nhiên cả 2 dự án trên do vướng mắc một số thủ tục nên đến nay chưa thể giải ngân thanh toán.

Năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Chậm giải ngân vốn không chỉ ảnh hưởng tiến độ thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn, ảnh hưởng đến quyền lợi thụ hưởng của người dân mà còn dẫn tới nguy cơ “mất vốn” vì bị thu hồi. Trước yêu cầu thời hạn giải ngân của Trung ương, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và chủ đầu tư phải tập trung hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước; hoàn thành thủ tục đầu tư và tổ chức thực hiện đối với các dự án khởi công năm 2020; thực hiện thủ tục thanh toán trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu; nếu tiến độ giải ngân chậm, không đảm bảo yêu cầu phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Trường hợp giải ngân không đạt tiến độ sẽ bị xem xét đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

 

Nguồn tin: Văn Tâm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây